luatvienan@vienan.vn | 028 7300 6876 - 097 2757676
Thời gian làm việc: Sáng: 08:00 - 12:00 - Chiều: 13:30 - 17:30

TÀI SẢN LÀ GÌ?

Trang chủ / Kiến thức pháp luật / Trao đổi kiến thức pháp luật / TÀI SẢN LÀ GÌ?
Editor 06 Tháng Chín 2023

TÀI SẢN LÀ GÌ?

Căn cứ quy định tại Điều 105 Bộ luật dân sự 2015 (“BLDS”), với tư cách là khách thể quyền sở hữu xác định như sau:

       1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

       2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.

·     Vật

Vật là đối tượng của thế giới vật chất theo nghĩa rộng bao gồm cả động vật, thực vật, vật có thể ở mọi trạng thái vật lý (rắn, lỏng, khí).

Với ý nghĩa là một phạm trù pháp lý, vật là một bộ phận của thế giới vật chất có thể đáp ứng được một nhu cầu nào đó (vật chất) của con người. Tuy nhiên, không phải bất cứ một bộ phận nào của thế giới vật chất đều được coi là vật. Ngoài yếu tố đáp ứng được nhu cầu của con người, vật có thực là tài sản phải nằm trong sự chiếm hữu của con người, có đặc trưng giá trị và trở thành đối tượng của giao dịch dân sự.

Vật là tài sản không chỉ là những vật tồn tại hiện hữu mà còn bao gồm cả những vật (hay tài sản) được hình thành trong tương lai từ tài sản hiện tại. Điều 109 BLDS có xác định loại tài sản có tính chất đặc biệt này là hoa lợi, lợi tức. Hoa lợi, lợi tức thể hiện sự gia tăng của tài sản trong những điều kiện nhất định. Tương tự, tiền và những loại giấy tờ có giá cũng được xác định là những loại tài sản có tính chất đặc biệt.

·     Giấy tờ có giá:

Căn cứ Điểm 8 Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010, giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác.

Các loại giấy tờ được xác định là giấy tờ có giá thì căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể điểm c khoản 2 Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt NamCông văn 141/TANDTC-KHXX của Tòa án Nhân dân tối cao về thẩm quyền giải quyết các yêu cầu trả lại giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản, thì giấy tờ có giá bao gồm:

a) Hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc, công cụ chuyển nhượng khác được quy định tại Điều 1 của Luật các công cụ chuyển nhượng năm 2005;

b) Trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kì phiếu, cổ phiếu được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 4 của Pháp lệnh ngoại hối năm 2005;

c) Tín phiếu, hối phiếu, trái phiếu, công trái và công cụ khác làm phát sinh nghĩa vụ trả nợ được quy định tại Khoản 16 Điều 3 của Luật Quản lý nợ công năm 2009;

d) Các loại chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quĩ; quyền mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn mua, quyền chọn bán, hợp đồng tương lai, nhóm chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán; hợp đồng góp vốn đầu tư; các loại chứng khoán khác do Bộ Tài chính quy định) được quy định tại Khoản 1 Điều 6 của Luật chứng khoán năm 2006 (đã được sửa đổi, bổ sung một số Điều năm 2010);

đ) Trái phiếu doanh nghiệp được quy định tại Điều 2 của Nghị định số 52/2006/NĐ-CP ngày 19/5/2006 của Chính phủ về "Phát hành trái phiếu doanh nghiệp"…

Như vậy, các loại giấy tờ không thuộc các giấy tờ được liệt kê ở trên thì không được xác định là giấy tờ có giá. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều người nhầm lẫn giữa giấy tờ có giá với các loại giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản. Phổ biến nhất chính là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay sổ tiết kiệm. Các giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản này không phải giấy tờ có giá bởi bản thân tờ giấy đó nó không phải là tài sản. Tài sản thực sự chính là quyền sở hữu đối với tài sản được nêu trong giấy.

·     Quyền tài sản:

Ngoài vật, tiền và tài sản còn được xác định là quyền tài sản theo quy định tại Điều 115 BLDS, cụ thể: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.”.

Quyền tài sản hiểu theo nghĩa rộng là quyền của cá nhân, tổ chức được pháp luật cho phép thực hiện hành vi xử sự đối với tài sản của mình và yêu cầu người khác phải thực hiện một nghĩa vụ đem lại lợi ích vật chất cho mình. Xét theo ý nghĩa này thì quyền sở hữu cũng là quyền tài sản (vật quyền). Quyền yêu cầu người khác thực hiện nghĩa vụ tài sản (trái quyền) cũng là quyền tài sản. Trên cơ sở quan niệm như vậy, Luật La mã phân loại quyền tài sản (quyền dân sự) thành vật quyền và trái quyền mà không phân thành quyền tài sản và quyền sở hữu. Vì suy cho cùng quyền sở hữu tài sản cũng là quyền tài sản.

Như vậy, theo Điều 115 BLDS thì quyền tài sản phải trị giá được bằng tiền và gắn liền với lợi ích kinh tế mà quyền đó mang lại, quyền tài sản cũng bao gồm những quyền khác gắn với nhân thân mà không chuyển giao được như quyền cấp dưỡng, quyền thừa kế, quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại về mặt sức khỏe.

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, xã hội nhất là trong điều kiện nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, phạm vi tài sản với tính cách là khách thể của quyền sở hữu - là không hạn chế. Chúng bao gồm toàn bộ các tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng trong xã hội. Nghĩa là quyền sở hữu có thể được xác lập với bất kỳ một loại tài sản nào, miễn là pháp luật không cấm lưu thông dân sự. Mỗi loại tài sản lại có những đặc tính khác biệt cần phải có quy chế pháp lý điều chỉnh riêng. Việc xác định tài sản mang tính cấp thiết không chỉ trong hoạt động lập pháp mà còn có ý nghĩa quan trọng trong thực tiễn áp dụng pháp luật.

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại, gọi số: 097.275.7676 để được giải đáp.

*Lưu ý:

- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo; Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật

- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;