luatvienan@vienan.vn | 028 7300 6876 - 097 2757676
Thời gian làm việc: Sáng: 08:00 - 12:00 - Chiều: 13:30 - 17:30

THAM LUẬN VỀ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NGHỊ ĐỊNH 77/2008/NĐ-CP

Trang chủ / Kiến thức pháp luật / Trao đổi kiến thức pháp luật / THAM LUẬN VỀ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NGHỊ ĐỊNH 77/2008/NĐ-CP
Editor 18 Tháng Mười 2022

THAM LUẬN VỀ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NGHỊ ĐỊNH 77/2008/NĐ-CP

I.Khái quát về tình hình dịch vụ pháp lý và hoạt động của trung tâm tư vấn pháp luật hiện nay

          Trung tâm tư vấn pháp luật (gọi tắt là “TTTVPL”) hoạt động và được điều chỉnh bởi Nghị định 77/2008/NĐ-CP cũng là một loại hình hoạt động dịch vụ pháp luật trong các loại hình hoạt động dịch vụ pháp luật cả nước hiện nay.

          Qua theo dõi, tình hình thực hiện dịch vụ tư vấn pháp luật hiện nay thấy: cả nước đã thành lập được nhiều Trung tâm tư vấn pháp luật của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu chuyên ngành luật được thành lập như: Trung tâm tư vấn pháp luật của Hội Luật gia, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Đại học Luật Hà Nội, Học viện Tư pháp, Viện Nhà nước và Pháp luật, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã thực hiện hàng chục nghìn vụ việc bằng tất cả các loại hình dịch vụ pháp lý, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, trợ giúp pháp lý, tuyên truyền pháp luật, mang lại hiệu quả tích cực trong thực thi pháp luật.

          Sau khi ban hành Nghị định 77/2008/NĐ-CP, mô hình Trung tâm tư vấn pháp luật của tổ chức chủ quản đã đáp ứng phần nào yêu cầu thực hiện tư vấn pháp luật cho thành viên, hội viên, đoàn viên của tổ chức mình và các cá nhân, tổ chức khác trong thời kỳ hội nhập phát triển mạnh mẽ của đất nước ngày càng sâu rộng. Các TTTVPL ngày càng tăng nhanh về số lượng cũng như chất lượng cung cấp dịch vụ tư vấn…

          Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế hiện nay, mô hình Trung tâm tư vấn pháp luật này cũng bộc lộ những hạn chế nhất định đòi hỏi có sự thay đổi cho phù hợp tình hình mới. Những khó khăn, bất cập lớn nhất trong quá trình thực hiện TVPL là vấn đề về nguồn kinh phí, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, cơ chế hoạt động của tổ chức hay nói cách khác là các yếu tố tạo nên động lực phát triển của TTTVPL.

          Hiện nay, tại Việt Nam có ba hình thức hoạt động dịch vụ pháp luật cơ bản là:

  1. Trung tâm Trợ giúp pháp lý (Theo Luật trợ giúp pháp lý 2017)

          Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và binh đẳng trước pháp luật.

          Theo quy định tại Điều 4 Luật trợ giúp pháp lý thì trợ giúp pháp lý là trách nhiệm của Nhà nước. Nhà nước có chính sách để bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội. Kinh phí cho hoạt động trợ giúp pháp lý.

          Điều 11 quy định Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Tư pháp, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập, có tư cách pháp nhân, có con dấu, trụ sở và tài khoản riêng.

           Kinh phí hoạt động của Trung tâm trợ giúp pháp lý hoạt động chủ yếu đến từ nguồn ngân sách nhà nước, ngoài ra còn có đóng góp, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác.

          Mục đích: đảm bảo quyền và lợi ích cho các đối tượng theo quy định tại Điều 7 Luật trợ giúp pháp lý, chủ yếu là người có công với cách mạng và người thuộc diện yếu thế.

  1. Hoạt động Luật sư (theo quy định Luật luật sư 2006, sđbs 2012)

          - Hoạt động của luật sư theo Luật Luật sư và các luật khác, chủ yếu dưới hai hình thức cơ bản: Văn phòng luật sư và Công ty luật. Địa vị pháp lý là Doanh nghiệp, đơn vị độc lập, tự chủ theo quy định của pháp luật.

          - Hoạt động theo quy định của pháp luật.

          - Đối tượng phục vụ:  Tất cả các khách hàng có nhu cầu dịch vụ pháp lý.

          - Nguồn kinh phí hoạt động: Mức thù lao, chi phí luật sư được thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý (Điều 56 Luật luật sư).

          Theo thống kê sơ bộ cả nước hiện nay có trên 4.000 tổ chức hành nghề luật sư với trên 16.000 luật sư.

  1. Hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật (Theo Nghị định 77/2008/NĐ- CP)

          - Người thành lập:  tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu chuyên nhanh luật (sau đây gọi chung là tổ chức chủ quản).

          - Địa vị pháp lý: có tư cách pháp nhân, có tài khoản cà con dấu riêng.

          - Mục đích chính: Hoạt động tư vấn pháp luật quy định tại Nghị định này mang tính chất xã hội, thực hiện tư vấn các vấn dề pháp lý không nhằm mục đích thu lợi nhuận.

          - Cơ quan đơn vị quản lý: Bộ tư pháp, Ủy ban nhân dân các cấp, Đơn vị chủ quản.

          - Kinh phí hoạt động:

 Trung tâm tư vấn pháp luật hoạt động theo cơ chế tự trang trải về tài chính. Kinh phí hoạt động của TTTVPL chủ yếu đến từ 04 nguồn theo quy định tại Điều 9 Nghị định 77/2008/NĐ-CP, cụ thể:

+ Kinh phí để thực hiện hoạt động tư vấn pháp luật được bố trí trong kinh phí hoạt động thường xuyên của tổ chức chính trị - xã hội đối với Trung tâm tư vấn pháp luật do tổ chức chính trị - xã hội thành lập;

+ Kinh phí được cấp từ việc thực hiện trợ giúp pháp lý đối với Trung tâm tư vấn pháp lý đã đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý;

+ Thù lao thu được từ hoạt động tư vấn pháp luật cho cá nhân, tổ chức theo quy định tại Điều 11 của Nghị định này;

+ Các khoản hỗ trợ của tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu chuyên ngành luật được trích từ nguồn thu hoạt động sự nghiệp; các khoản tài trợ của cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài hỗ trợ cho hoạt động tư vấn pháp luật theo quy định của pháp luật.

          -Đối tượng dich vụ:

+ Miễn phí (theo quy định tại Điều 10 Nghị định)  đối với: thành viên, hội viên, đoàn viên của tổ chức chủ quản;

+ Khuyến khích dịch vụ miễn phí đối với người nghèo, các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật;

+  được thu thù lao đối với cá nhân tổ chức có khác có nhu cầu tư vấn pháp luật để bù đắp chi phí cho hoạt động của trung tâm (Điều 11).

          Theo con số thống kê sơ bộ, cả nước hiện chỉ có trên 60 Trung tâm, hơn 300 tư vấn viên pháp luật và khoảng 500 cộng tác viên.

II. Nhận xét

Theo tình hình và các số liệu nêu trên cho thấy:

- Về địa vị pháp lý của trung tâm tư vấn pháp luật hiện nay chưa rõ ràng, không phải đơn vị công lập, không phải tổ chức theo loại hình doanh nghiệp.

- Về tổ chức thành lập, có tổ chức có kinh phí hoạt động thường xuyên do ngân sách Nhà nước cấp như: Tổ chức chính trị - xã hội hiện nay có 6 tổ chức hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, được chia thành nhiều cấp để hoạt động trong phạm vi cả nước như: Công đoan; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội nông dân Việt Nam; Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Hội cựu chiến binh Việt Nam. Còn đối với các Tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp: là tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập, công nhận điều lệ và có hội viên là cá nhân, tổ chức tự nguyện đóng góp tài sản hoặc hội phí nhằm phục vụ mục đích của hội và nhu cầu chung của hội viên là pháp nhân khi tham gia quan hệ dân sự do thành viên đóng góp kinh phí hoạt động theo điều lệ hoạt động. Do đó kinh phí cho hoạt động của TTTVPL trong nhu cầu đã và ngày càng lớn hiện nay là không thể bảo đảm.

- Về đối tượng cần tư vấn hiện nay đang quá tải, yêu cầu tư vấn pháp luật của các đối tượng phục vụ đã và ngày càng lớn. Ngoài những đối tượng trên còn có các đối tượng khác cũng có nhu cầu tư vấn pháp luật. Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu tư vấn, hiểu biết về pháp luật càng tăng, số trung tâm tư vấn pháp luật quá khiêm tốn như hiện nay là không thể đáp ứng nhu cầu.

- Trong các hoạt động tư vấn pháp luật: Tuyên truyền pháp luật, tư vấn các vấn đề pháp lý đơn giản có thể không mất nhiều công sức, thời gian nghiên cứu. Tuy nhiên trong hoạt động tư vấn phương hướng giải quyết, tham gia tố tụng các vụ án hình sự, vụ việc dân sự cần có luật sư có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn phù hợp với từng vụ việc, nhu cầu của từng đối tượng cần cung cấp dịch vụ pháp lý. Chi phí để luật sư thực hiện các công việc trên là không thể quá ít. Trung tâm tư vấn pháp luật hoạt động với mục đích không nhằm mục đích thu lợi nhuận, miễn phí cho các đối tượng theo quy định và các đối tượng Nhà nước còn khuyến khích thực hiện tư vấn miễn phí do đó nguồn kinh phí hoạt động không đủ để chi trả cho hoạt động của các hoạt động tư vấn pháp luật.

- Ngoài việc duy trì hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật đã không đủ để chi trả mà cùng với đó Trung tâm cũng cần phải có cơ sở, phương tiện và nguồn nhân lực để cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật.

- Về nguồn nhân lực: Thực tế các tư vấn viên tại trung tâm không có nhận được nhiều yêu cầu về tư vấn pháp lý do đó việc trau dồi kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ không được thường xuyên. Các tư vấn viên không được trau dồi kỹ năng không đủ đáp ứng với một số trường hợp đặc biệt do đó bắt buộc Trung tâm cung cấp dịch vụ pháp luật phải tuyển cộng tác viên. Tuy nhiên do kinh phí eo hẹp nên việc thuê các cộng tác viên cũng khó khăn.

          Theo phân tích và số liệu các tổ chức tư vấn pháp luật và luật sư nêu trên cũng cho thấy rõ ràng cơ chế tổ chức và hoạt động của trung tâm tư vấn pháp luật hiện nay mang nặng tính bao cấp thiếu động lực nội tại để phát triển, trong khi yêu cầu đỏi hỏi của xã hội ngày càng cao. Số trung tâm tư vấn pháp luật cả nước có khoảng 60/ 4.000 chức hành nghề luật sư, chiếm 1,5%; số tư vấn viên cả nước có khoảng 300/16.000 luật sư chiếm chưa được 2% so với luật sư, trong khi yêu cầu tư vấn pháp luật của xã hội đòi hỏi ngày càng nhiều về diện và sâu về chất. Thực tế đó đòi hỏi phải có sự chỉnh sửa chính sách, cơ chế pháp lý cho hoạt động của loại hình tổ chức này sao cho tạo ra động lực cho sự phát triển của hoạt động tư vấn pháp luật.

III. Đề xuất ba phương án:

Phương án thứ nhất:

Cho phép các cơ quan chủ quản thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật hoạt động theo các loại hình doanh nghiệp theo pháp luật Doanh nghiệp. Các tổ chức chủ quản thành lập có vốn chi phối và có đại diện của tổ chức để tham gia quản lý, lãnh đạo và tổ chức hoạt động theo pháp luật đồng thời theo mục đích xã hội của tổ chức chủ quản.

- Kinh phí hoạt động thu phí các hoạt động tư vấn cho người có nhu cầu. Đối với các thành viên, hội viên, đoàn viên của tổ chức chủ quản và các đối tượng được miễn phí dịch vụ tư vấn pháp luật thì do tổ chức chủ quản chi trả.

- Các nguồn thu khác từ hoạt động dịch vụ pháp lý bình thường như các tổ chức hành nghề luật sư.

- Có hạch toán để chủ động về mặt tài chính.

+ Ưu điểm của loại hình này là: Các tổ chức chủ động tạo được nguồn kinh phí cho hoạt động, từ đó thu hút được nhân lực, tạo động lực cho phát triển hoạt động dịch vụ pháp lý.

+ Nhược điểm là: nếu không được quản lý tốt sẽ dẫn đến chạy theo lợi nhuận, giảm bớt mục tiêu xã hội.

Phương án thứ hai:

Vẫn duy trì hoạt động Trung tâm tư vấn pháp luật như hiện nay nhưng bổ sung và thay đổi một số quy định trong Nghị định cho phù hợp:

- Quy định rõ hơn về việc đảm bảo kinh phí đối với tổ chức chủ quản cho hoạt động của trung tâm (nâng cao vai trò trách nhiệm của tổ chức chủ quản).

- Trao quyền chủ động, huy động kinh phí từ các nguồn vốn đóng góp cho Trung tâm.

- Trung tâm được tự chủ ký kết các Hợp đồng dịch vụ pháp luật, mức thù lao đối với tổ chức cá nhân có nhu cầu dịch vụ pháp lý theo quy định của pháp luật.

-  Quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trên địa bàn có trách nhiệm tạo điều kiện về vật chất, kinh phí cho trung tâm trong hoạt động tư vấn pháp luật ở địa phương.

+ Ưu diểm: Duy trì được mục tiêu xã hội của hoạt động dịch phụ pháp luật, có thể thu hút được nhân lực cho hoạt động của trung tâm.

+ Nhược điểm: Nhiều tầng nhiều cấp quản lý sẽ dễ dẫn đến hạn chế tính chủ động của trung tâm; không thu hút được nhân lực, hiệu quả thấp.

Phương án 3 là kết hợp cả hai phương án cùng khắc phục những khiếm khuyết hiện nay của Nghị định 77 và sửa đổi bổ sung những yếu tố tích cực tạo động lực để hoạt động tư vấn pháp lý đạt được hiệu quả cao nhất, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển xã hội hiện nay.

                                                            Ths.LS Nguyễn Thị Huyền Trang