Bàn về vấn đề quyền trẻ em và quy định pháp luật đối với bạo hành trẻ em
Thực trạng trong xã hội hiện nay
Các vụ bạo hành trẻ em ngày càng gia tăng, đặc biệt là trong thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid là hồi chuông báo động chúng ta cần củng cố hệ thống bảo vệ phụ nữ và trẻ em mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa để ứng phó với vấn nạn bạo hành. Bao gồm việc đảm bảo mọi trẻ em có được môi trường gia đình thân thiện, tiếp cận hỗ trợ tư pháp và bảo vệ khỏi bị bạo hành, lạm dụng và bóc lột.
Hầu hết các vụ bạo lực trẻ em xảy ra ngay trong chính ngôi nhà thân yêu của trẻ. Do đó, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về quyền trẻ em, phổ biến các chương trình dạy kỹ năng làm cha mẹ tích cực là trọng tâm trong hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng kỷ luật bạo lực trong gia đình đối với trẻ.
Bố mẹ/người chăm sóc trẻ/thầy cô giáo cần thường xuyên gần gũi quan tâm, nhận biết các dấu hiệu trẻ bị bạo hành/xâm hại để can thiệp kịp thời. Trong trường hợp người thân là đối tượng có hành vi bạo lực, xâm hại trẻ thì cần lập tức đưa trẻ ra khỏi môi trường thiếu an toàn, đến nơi có đủ điều kiện, khả năng bảo vệ, chăm sóc trẻ.
Quản lý cảm xúc của bản thân cũng là kỹ năng bố mẹ cần rèn luyện để tránh trường hợp chính mình gây bạo lực tinh thần và thể chất đối với con. Nếu bố mẹ đang gặp khó khăn trong vấn đề dạy dỗ trẻ, hãy liên hệ với nhà trường, thầy cô giáo của con hoặc chuyên gia tâm lý để được tư vấn tìm ra những phương pháp giáo dục trẻ khác mà không dùng đến “ đòn roi”.
Bên cạnh đó, tùy theo độ tuổi mà có phương pháp phù hợp dạy trẻ kỹ năng nhận diện nguy cơ xâm hại và bạo lực gia đình là vô cùng quan trọng. Trẻ cần biết con có quyền được sống trong một môi trường an toàn.