luatvienan@vienan.vn | 028 7300 6876 - 097 2757676
Thời gian làm việc: Sáng: 08:00 - 12:00 - Chiều: 13:30 - 17:30

Trang chủ / Tin tức / Tin tức pháp luật / LUẬT LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ - CỦNG CỐ SỨC MẠNH, BẢO VỆ VỮNG CHẮC AN NINH QUỐC GIA
Editor 22 Tháng Năm 2024

LUẬT LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ - CỦNG CỐ SỨC MẠNH, BẢO VỆ VỮNG CHẮC AN NINH QUỐC GIA

Ngày 1/7/2024 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở chính thức có hiệu lực. Luật được ban hành đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan trong việc bảo đảm ANTT ở cơ sở đã được xác định trong các văn bản của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân, đồng thời kiện toàn, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, toàn diện, xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

Nguồn: Công An Bình Phước (https://congan.binhphuoc.gov.vn/Tuyen-truyen-phap-luat/bao-dam-cac-dieu-kien-hoat-dong-doi-voi-luc-luong-tham-gia-bao-ve-an-ninh-trat-tu-o-co-so-329529)Nguồn ảnh: Công An Bình Phước (https://congan.binhphuoc.gov.vn/Tuyen-truyen-phap-luat/bao-dam-cac-dieu-kien-hoat-dong-doi-voi-luc-luong-tham-gia-bao-ve-an-ninh-trat-tu-o-co-so-329529)

1. Lực lượng ANTT cơ sở có vai trò quan trọng, làm nòng cốt trong công tác đảm bảo ANTT, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Lực lượng an ninh trật tự ở cơ sở đươc xem là lực lượng quần chúng đắc lực, là cánh tay nối dài của lực lượng Công an nhân dân trong công tác bảo đảm ANTT, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, từng bước xây dựng nền an ninh nhân dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, giải quyết kịp thời, nhanh chóng các vụ, việc liên quan ngay từ cơ sở.

Thực tế cho thấy, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở đã tích cực thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ bảo đảm ANTT địa bàn dân cư; thường xuyên sát dân, hiểu, nắm được tâm tư nguyện vọng nhân dân nên đã kịp thời phát hiện, xử lý các vụ việc phát sinh ngay từ ban đầu ở cơ sở, không để sự việc nghiêm trọng, đột xuất, bất ngờ.

Điều 3 Luật lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở quy định về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, cụ thể:

Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là một trong những lực lượng quần chúng, được bố trí ở thôn, tổ dân phố, làm nòng cốt hỗ trợ Công an cấp xã giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp trong bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.”

Trước đây bởi vì sự thiếu nhất quán trong các văn bản quy phạm pháp luật, dẫn đến nên việc phân định vai trò vị trí của từng lực lượng chồng chéo. Nay quy định mới đã phân tách rõ ràng vị trí và vai trò của lực lượng an ninh trật tự ở cơ sở là lực lượng nòng cốt bên cạnh hỗ trợ lực lượng công an tại địa phương trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc chứ không phải là nắm vai trò lãnh đạo chủ chốt. Công an cấp xã đóng vai trò lãnh đạo trực tiếp, chỉ huy thực hiện nhiệm vụ và chịu trách nhiệm, có nghĩa vụ đối với hoạt động diễn ra trên địa bàn quản lý.

2. Những điểm nhấn cần lưu ý của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

* Thứ nhất, tại Điều 13 Luật LLTGBV ANTT ở cơ sở quy định rõ tiêu chuẩn, điều kiện để tham gia lực lượng về độ tuổi, phẩm chất, lý lịch, trình độ, sức khỏe,…

* Thứ hai, tại Điều 5 quy định cụ thể quan hệ công tác, phối hợp trong tổ chức, hoạt động, thực hiện nhiệm vụ, theo đó:

a. UBND cấp xã cùng Công an cấp xã phối hợp trực tiếp quản lý về tổ chức, hoạt động, chỉ đạo, điều hành LLTGBVANTT ở cơ sở;

b. Phối hợp với Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc;

c. Hỗ trợ lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng khác ở cơ sở thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật;

d. Phối hợp với đoàn thể, tổ chức quần chúng tự quản ở cơ sở, hòa giải viên cơ sở, lực lượng bảo vệ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, giải quyết vụ việc về an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định của pháp luật;

e. Chấp hành sự quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã, sự hướng dẫn, phân công, kiểm tra của Công an cấp xã trong quá trình phối hợp, hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ;

f. Công an cấp xã chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định của pháp luật.

* Thứ ba, tại Điều 6 quy định các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến lực lượng an ninh trật tự ở cơ sở:

a. Sử dụng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trái quy định của Luật này hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;

b. Lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;

c. Giả danh lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở;

d. Xúc phạm, đe dọa, cản trở, chống đối lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong khi thực hiện nhiệm vụ;

e. Sản xuất, mua bán, tàng trữ, sử dụng, chiếm giữ trái phép, làm giả, cầm cố trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Ngoài ra, còn có các quy định về bảo đảm kinh phí hoạt động, trang bị công cụ hỗ trợ; trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận, phương tiện, thiết bị cần thiết để thực hiện nhiệm vụ; tiền hỗ trợ, bồi dưỡng và chế độ chính sách đối với người bị ốm đau, bị tai nạn, chết khi thực hiện nhiệm vụ (Điều 19, 21, 22, 23, 24 Luật LLBVANTT ở cơ sở).

Những quy định nêu trên bảo đảm cho lực lượng này điều kiện hoạt động và các chính sách hỗ trợ phù hợp với tính đặc thù công việc, nhiệm vụ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân quy định trong Hiến pháp 2013 của nước CHXHCN Việt Nam. Thể hiện chủ trương, quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong công tác bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở và địa phương.

3. Quy định các điều kiện, tiêu chuẩn để được xem xét tham gia lực lượng bảo vệ ANTT cơ sở, tuyển chọn những người có đủ sức khỏe, trình độ, nơi cư trú để phù hợp với nhiệm vụ.

* Điều 13 Luật LLTGBV ANTT ở cơ sở quy định tiêu chuẩn, điều kiện tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

a. Từ đủ 18 tuổi đến đủ 70 tuổi; trường hợp trên 70 tuổi mà bảo đảm sức khỏe thì Chủ tịch Ủy ban nhân cấp xã xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của Công an cấp xã;

b. Có lý lịch rõ ràng; phẩm chất đạo đức tốt; bản thân và gia đình chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành án hình sự ở xã, phường, thị trấn, chấp hành biện pháp tư pháp hoặc chấp hành biện pháp xử lý hành chính. Trường hợp đã chấp hành xong bản án của Tòa án thì phải được xóa án tích; đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính thì phải hết thời hạn được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định của pháp luật;

c. Có bằng tốt nghiệp hoặc đã hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở trở lên. Đối với khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì có thể tuyển chọn người đã học xong chương trình giáo dục tiểu học;

d. Đang thường trú hoặc tạm trú từ 01 năm trở lên và thường xuyên sinh sống tại nơi công dân nộp đơn đề nghị tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 15 của Luật này thì phải đang thường trú hoặc tạm trú tại nơi nộp đơn đề nghị tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở;

e. Có đủ sức khỏe theo giấy chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật.”

Luật quy định cụ thể các điều kiện để lựa chọn lực lượng an ninh cơ sở phải là những người có đủ sức khỏe, trình độ, nơi cư trú phù hợp với nhiệm vụ, sau khi được kiện toàn phải thể hiện rõ tính chất là tham gia hỗ trợ lực lượng Công an cấp xã trong công tác bảo đảm ANTT ở cơ sở.

Hơn nữa, việc lựa chọn những người có trình độ văn hóa phù hợp và cư trú thời gian dài ở địa phương có ý nghĩa quan trọng trong việc tuyên truyền, đảm bảo thực thi các quy định, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước gắn với các phong tục tập quán của từng vùng miền, khiến người dân có thể hiểu được Nước CHXHCN Việt Nam là nhà nước “của dân, do dân và vì dân”.

4. Lực lượng ANTT ở cơ sở có nhiệm vụ quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Tại Chương II của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở (Từ Điều 7 đến Điều 12) quy định rất rõ về nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở, có thể khái quát thành 6 nhóm nhiệm vụ lớn:

a. Nhiệm vụ hỗ trợ nắm tình hình về an ninh, trật tự: hỗ trợ Công an cấp xã nắm tình hình vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình trên địa bàn phụ trách thông qua nguồn tin của Nhân dân, phương tiện thông tin đại chúng theo hướng dẫn của Công an cấp xã.

b. Nhiệm vụ hỗ trợ xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc: Hỗ trợ Công an cấp xã tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về an ninh, trật tự và xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; Vận động Nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự.

c. Nhiệm vụ hỗ trợ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ: heo yêu cầu, hướng dẫn, phân công của Công an cấp xã hỗ trợ lực lượng dân phòng trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn phụ trách hoặc địa bàn khác khi được điều động.

d. Nhiệm vụ hỗ trợ quản lý hành chính về trật tự xã hội: Hỗ trợ Công an cấp xã nắm thông tin về hoạt động của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự trên địa bàn phụ trách; nắm thông tin nhân khẩu, tạm trú tạm vắng trên địa bàn phụ trách,...

e. Nhiệm vụ hỗ trợ vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở: hỗ trợ Công an cấp xã vận động, giáo dục những người đã chấp hành xong án phạt tù, người bị áp dụng cấm đi khỏi nơi cư trú, người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường thị trấn,...

f. Nhiệm vụ hỗ trợ tuần tra bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự khi được điều động.

Luật đã điều chỉnh quy định về nhiệm vụ của các lực lượng này không trùng lặp với nhiệm vụ của Công an cấp xã và chính quyền cơ sở với 06 nhóm nhiệm vụ được giao.

5. Công tác đào tạo, huấn luyện và các trang bị những công cụ hỗ trợ được quy định cụ thể để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

Bộ trưởng Bộ Công an cũng đã ban hành Thông tư số 14/2024/TT-BCA quy định chi tiết một số điều của Luật LLTGBV ANTT ở cơ sở. Về vấn đề trang bị công cụ hỗ trợ cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở thuộc do Bộ Công an đảm nhiệm từ ngân sách trung ương.

Những công cụ được trang bị là: dùi cui cao su, dùi cui kim loại, áo giáp chống đâm, găng tay bắt dao.

Công an cấp xã tổ chức quản lý công cụ hỗ trợ được trang bị theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và xem xét, quyết định loại, số lượng công cụ hỗ trợ trang bị cho từng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự, loại công cụ hỗ trợ sử dụng chung của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự khi thực hiện nhiệm vụ.

6. Điều kiện đảm bảo hoạt động của lực lượng ANTT cơ sở được chú trọng, quan tâm, điều chỉnh phù hợp với tình hình kinh tế, chính trị, xã hội tạo điều kiện thuận lợi nhất, tốt nhất để lực lượng này hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Luật quy định về bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là bảo đảm cân đối trong tổng mức chi thực tế hiện nay của các địa phương; dựa trên các đánh giá cụ thể về thực trạng lực lượng, nguồn lực hiện có, thực trạng chi hiện nay và khả năng bảo đảm kinh phí, ngân sách của các địa phương để chi trả chế độ, chính sách và bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đang được sử dụng hiện nay làm cơ sở đề xuất nội dung này quy định trong Luật.

a. Điều kiện về địa điểm, nơi làm việc: Ủy ban nhân dân cấp xã bố trí tại địa điểm, nơi sinh hoạt cộng đồng ở thôn, tổ dân phố hoặc địa điểm, nơi làm việc của Công an cấp xã hoặc địa điểm, nơi làm việc khác phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và khả năng bảo đảm của địa phương.

b. Điều kiện trang bị, quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ: Việc quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ thực hiện theo quy định của pháp luật.

c. Điều kiện về trang phục, giấy chứng nhận, phương tiện, thiết bị cần thiết để thực hiện nhiệm vụ: Việc cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi, quản lý, sử dụng biển hiệu, giấy chứng nhận của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.

d. Điều kiện về kinh phí hoạt động: do ngân sách nhà nước bảo đảm và các nguồn tài chính huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

e. Điều kiện về hỗ trợ, bồi dưỡng: được hưởng tiền hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế theo mức do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định; được hưởng hỗ trợ, bồi dưỡng khi được cử đi bồi dưỡng, huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của cấp có thẩm quyền hoặc khi được điều động, huy động thực hiện nhiệm vụ

7. Các chế độ chính sách và mức hỗ trợ thường xuyên cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT.

a. Mục 2 Chương 3 Luật LLTGBV ANTT cơ sở 2023 quy định về “Bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở”, theo đó người tham gia LLTGBV ANTT cơ sở được hưởng các quyền lợi như sau:

b. Được hưởng tiền hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, tiền đóng BHXH tự nguyện, BHYT; (Khoản 1 Điều 23)

c. Được hưởng hỗ trợ, bồi dưỡng bằng mức tiền ăn cơ bản của chiến sĩ nghĩa vụ Công an nhân dân khi được cử đi bồi dưỡng, huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công hoặc khi được điều động, huy động thực hiện nhiệm vụ; (Khoản 2 Điều 23)

d. Được trang bị, sử dụng trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận, phương tiện, thiết bị cần thiết để thực hiện nhiệm vụ và các điều kiện bảo đảm hoạt động khác quy định tại Luật. (Điều 21, Điều 22)

8. Lực lượng ANTT ở cơ sở khi đi vào hoạt động thực tiễn sẽ mang lại những tác động tích cực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về ANTT.

Thời gian qua, các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở phối hợp, hỗ trợ lực lượng Công an chính quy trong việc thu thập, tổng hợp tình hình an ninh, trật tự; tuyên truyền pháp luật; tham gia thực hiện công tác phòng, chống thiên tai, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (ví dụ như thời điểm xảy ra dịch covid, thiên tai, lũ lụt,..); hỗ trợ thực hiện công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội (như việc hỗ trợ triển khai người dân làm CCCD,..) trên địa bàn phụ trách.

Bằng sự hiểu biết sâu sắc về địa bàn, đối tượng, phong tục, tập quán, truyền thống cũng như bằng uy tín trong làng xã, dòng họ, lực lượng này phối hợp cùng công an địa phương đã thực hiện có hiệu quả công tác vận động các tầng lớp nhân dân đoàn kết, phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có phong trào dòng họ tự quản về ANTT phát triển mạnh về bảo đảm an ninh, trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Thường xuyên sát dân, hiểu, nắm được tâm, tư nguyện vọng nhân dân, với lợi thế là người ở địa phương nắm rõ các thông tin về địa bàn, về các mối quan hệ làng xã, dòng họ…., nên đã kịp thời phối hợp, hỗ trợ lực lượng Công an trong công tác nắm tình hình, phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc phát sinh ngay từ cơ sở, tham gia giải quyết các mâu thuẫn, xung đột, tranh chấp trong nhân dân... không để đột xuất, bất ngờ.

Hơn nữa, đây là lực lượng quan trọng trong tham gia phát động, duy trì và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Trong điều kiện hiện nay, việc bố trí, sử dụng lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sẽ mang lại những tác động tích cực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về ANTT. Do địa bàn cấp xã nhiều nơi có diện tích rộng, số lượng dân cư lớn nên cần thiết sử dụng lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở để hỗ trợ Công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT, qua đó mới có thể bao quát và bám sát hết địa bàn cơ sở, chủ động, kịp thời giải quyết ngay tại chỗ, ngay từ cơ sở các vụ, việc liên quan đến ANTT.