luatvienan@vienan.vn | 028 7300 6876 - 097 2757676
Thời gian làm việc: Sáng: 08:00 - 12:00 - Chiều: 13:30 - 17:30

Trang chủ / Tin tức / Tin tức pháp luật / MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CẦN LƯU Ý TRONG LUẬT CĂN CƯỚC 2023
Editor 22 Tháng Năm 2024

MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CẦN LƯU Ý TRONG LUẬT CĂN CƯỚC 2023

         Luật Căn cước được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 27 tháng 11 năm 2023 thay thế cho Luật căn cước công dân 2014. Có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024. Luật Căn cước có 07 chương và 46 Điều. Cụ thể như sau:

          PHẦN I. KHÁI QUÁT LUẬT CĂN CƯỚC 2023

         Chương I: Những quy định chung, gồm 7 Điều (từ Điều 1 đến Điều 7)

         Chương II: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước, gồm 10 Điều (từ Điều 8 đến Điều 17)

         Chương III: Thẻ căn cước, giấy chứng nhân căn cước, gồm 13 Điều (từ Điều 18 đến Điều 30)

         Chương IV: Cấp, quản lý căn cước điện tử, gồm 4 Điều (từ Điều 31 đến Điều 34)

         Chương V: Bảo đảm điều kiện cho hoạt động quản lý căn cước, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử, gồm 5 Điều (từ Điều 35 đến Điều 39)

         Chương VI: Quản lý nhà nước về căn cước, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước, định danh và xác thực điện tử, gồm 4 Điều (từ Điều 40 đến Điều 43)

         Chương VII: Điều khoản thi hành, gồm 3 Điều (từ Điều 44 đến Điều 46)

           PHẦN II. KHÁI QUÁT VỀ MỘT SỐ ĐIỂM ĐỔI MỚI CỦA LUẬT CĂN CƯỚC 2023

           1. Chính thức đổi tên từ “Căn cước công dân” thành “Căn cước” và không thể hiện thông tin hiển thị quê quán, vân tay trên “Căn cước” (Điều 3 và 18 Luật căn cước 2023):

         Chính thức đổi tên “Căn cước công dân” thành “Căn cước” (Điều 3).

         Việc đổi tên thẻ Căn cước công dân thành thẻ Căn cước là để phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế (Idencity Card) và tạo sự thống nhất với tên gọi của các loại thẻ nhân dạng thông tin công dân với các nước trên thế giới hiện nay, loại bỏ các thông tin không cần thiết trên thẻ căn cước giúp hệ thống căn cước của quốc gia phù hợp hơn với quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi làm thủ tục ở nước ngoài cũng như phù hợp hơn với việc mở rộng đối tượng điều chỉnh của Luật căn cước (Công dân Việt Nam và Người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam).

         Ngoài ra, việc đổi tên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong các giao dịch và góp phần vào công cuộc chuyển đổi số và kinh tế số của Chính phủ.

         Thẻ Căn cước mới không thể hiện thông tin quê quán, nơi thường trú, vân tay, đặc điểm nhận dạng, thay vào bằng thông tin nơi đăng ký khai sinh và nơi cư trú trên Thẻ Căn cước (Điều 18). Do sự tiến bộ khoa xã hội nên những thông tin này sẽ được tích hợp trong cơ sở dữ liệu điện tử quốc gia, bảo vệ quyền riêng tư của công dân, giảm nguy cơ lạm dụng thông tin cá nhân, đơn giản hóa quá trình cấp và kiểm tra thẻ, làm cho các thủ tục hành chính trở nên nhanh chóng và hiệu quả hơn

           2. Mở rộng đối tượng điều chỉnh của Luật căn cước 2023 (Điều 3 Luật căn cước 2023)

         Ngoài áp dụng đối với công dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, Luật này còn áp dụng đối với người gốc Việt Nam là người không quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam.

         Theo đó, tại Điều 3 Luật căn cước 2023 đã quy định thêm khái niệm mới về “Người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam” để cấp giấy chứng nhận căn cước và số dịnh danh cho đối tượng này.

         Việc bổ sung nội dung cấp giấy chứng nhận căn cước và số định danh nhằm quản lý được toàn bộ công dân và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại địa phương; tạo thuận lợi cho công tác hoạch định chính sách phát triển và quản lý xã hội; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

           3. Mở rộng đối tượng được cấp “Căn cước” (Điều 19 Luật căn cước 2023)

(Cấp Căn cước cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên)

         Hiện nay, việc cấp thẻ Căn cước công dân chỉ được thực hiện cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên theo quy định tại Điều 19 Luật căn cước công dân 2014. Tuy nhiên với quy định đổi mới của Luật Căn cước 2023 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024) thì đối tượng được cấp thẻ Căn cước được mở rộng, bao gồm:

         Công dân Việt Nam có độ tuổi từ đủ 14 tuổi trở lên: bắt buộc phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước.

         Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi: được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.

         Về trình tự, thủ tục cấp thẻ Căn cước đối với những đối tượng nêu trên được thực hiện như sau:

         Đối với công dân từ đủ 14 tuổi trở lên:

         Bước 1: Người tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu quốc gia hoặc cơ sở dữ liệu chuyên ngành… để xác định chính xác người cần cấp thẻ. Nếu chưa có thông tin thì thực hiện cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

         Bước 2: Thu thập đặc điểm nhân dạng, thông tin sinh trắc học: Ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ Căn cước.

         Bước 3: Người đề nghị cấp thẻ kiểm tra, ký vào phiếu thu nhận thông tin căn cước.

         Bước 4: Nhận giấy hẹn trả thẻ Căn cước. Việc trả thẻ được thực hiện theo địa điểm trong giấy hẹn hoặc ở địa điểm khác nếu có yêu cầu và người này phải trả phí dịch vụ chuyển phát.

         Đối với công dân dưới 14 tuổi được chia thành 02 trường hợp:

         Trường hợp đối với người dưới 06 tuổi:

         +  Việc cấp thẻ Căn cước cho trẻ dưới 06 tuổi được thực hiện qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia.

         +  Trường hợp người dưới 06 tuổi chưa đăng ký khai sinh: Thực hiện qua các thủ tục liên thông với đăng ký khai sinh trên cổng dịch vụ công, ứng dụng định danh quốc gia hoặc trực tiếp tại cơ quan quản lý Căn cước.

         +  Lưu ý khi làm thẻ Căn cước đối với đối tượng này thì không phải thu thập đặc điểm nhân dạng và thông tin sinh trắc học.

         Trường hợp đối với người từ đủ 06 tuổi - dưới 14 tuổi: Cha, mẹ hoặc người giám hộ của những người này sẽ trực tiếp đưa người này đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận đặc điểm nhân dạng, thông tin sinh trắc học và kê khai ký, thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước thay cho người đó.

           4. Bổ sung quy định cấp “Giấy chứng nhận căn cước” cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch (Điều 3 và Điều 30 Luật căn cước 2023).

         Trong quá trình xây dựng Luật Căn cước, Bộ Công an đã rà soát các văn bản pháp luật liên quan và nhận thấy rằng Luật Quốc tịch và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam không điều chỉnh về quản lý căn cước đối với người gốc Việt Nam. Thực tế, tại Việt Nam có nhiều người gốc Việt không có giấy tờ chứng minh nhân thân do lịch sử, chiến tranh, di cư... Họ gặp khó khăn trong việc khám chữa bệnh, ký hợp đồng lao động, nhập học, và các giao dịch dân sự.

         Để giải quyết vấn đề này, Bộ Công an đề nghị cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch. Việc này là cần thiết, thể hiện tính nhân đạo của Đảng và Nhà nước, phù hợp và không trái với Luật Quốc tịch và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

         Giấy chứng nhận căn cước được cấp cho các đối tượng sau: Người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch mà đang sinh sống liên tục từ 06 tháng trở lên tại đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã.

         Giá trị sử dụng của Giấy chứng nhận căn cước:

         Có giá trị chứng minh về căn cước để thực hiện các giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam;

         Cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng số định danh cá nhân trên giấy chứng nhận căn cước để kiểm tra thông tin của người được cấp giấy chứng nhận căn cước trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia khác và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật. Khi người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch phải xuất trình giấy chứng nhận căn cước theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đó không được yêu cầu người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch xuất trình giấy tờ hoặc cung cấp thông tin đã được chứng nhận trong giấy chứng nhận căn cước, trừ trường hợp thông tin của người đó đã được thay đổi hoặc thông tin trong giấy chứng nhận căn cước không thống nhất với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;

         Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người được cấp giấy chứng nhận căn cước theo quy định của pháp luật.

         Bổ sung quy định thu thập thông tin sinh trắc học khi thực hiện thủ tục cấp “Thẻ căn cước” (Điều 16 và 23 Luật căn cước 2023).

Thu thập sinh trắc học mống mắt: Phù hợp xu hướng chuyển đổi số

(Thu thập thông tin sinh trắc học cho phù hợp với thời đại công nghệ số)

         Tại Điều 15 Luật Căn cước 2023 quy định, cơ sở dữ liệu căn cước của công dân gồm nhiều trường thông tin. Trong số này có thông tin về nhân dạng; thông tin sinh trắc học (ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói); nghề nghiệp (trừ lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, cơ yếu).

          Đối với thông tin sinh trắc học như ADN, mống mắt, giọng nói:

          Về thông tin sinh trắc học về AND và giọng nói: Điểm d khoản 1 Điều 16 Luật Căn cước 2023 quy định: Thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập được thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói của người dân thì chia sẻ cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật, điều chỉnh vào Cơ sở dữ liệu căn cước.

          Về thông tin sinh trắc học mống mắt: Điểm b khoản 1 Điều 23 Luật Căn cước 2023 quy định về trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước nêu rõ “Người tiếp nhận thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ căn cước”, như vậy việc thu nhận thông tin sinh trắc học sẽ được cơ quan quản lý căn cước tiến hành thu thập khi công dân làm thủ tục đề nghị cấp thẻ căn cước.

          Như vậy, cơ quan quản lý căn cước sẽ không tiến hành việc thu nhận thông tin sinh trắc học về AND, giọng nói trong quá trình thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước. Việc thu thập, cập nhật, điều chỉnh thông tin sinh trắc học về AND, giọng nói vào Cơ sở dữ liệu căn cước được thực hiện thông qua việc các cơ quan có chức năng kết nối, chia sẻ thông tin cho cơ quan quản lý căn cước.

           6. Bổ sung quy định về việc tích hợp thông tin vào “Căn cước” (Điều 22 Luật căn cước 2023)

         Luật căn cước 2023 bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin như: Thông tin thẻ bảo hiểm y tế, Sổ bảo hiểm xã hội, Giấy phép lái xe, Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn hoặc Giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

         Việc tích hợp thông tin này thể hiện tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của công dân ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về công dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ Căn cước để giúp giảm giấy tờ cho công dân, tạo thuận lợi cho công dân trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính.

         Người dân có thể đề nghị tích hợp các thông tin này vào thẻ căn cước khi có nhu cầu hoặc khi thực hiện thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước.

           7. Giá trị sử dụng của Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân đã được cấp (Điều 46 Luật Căn cước 2023)

         Thẻ Căn cước công dân đã được cấp trước ngày 01/7/2024 vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ và được cấp đổi sang thẻ Căn cước khi công dân có yêu cầu.

         Thẻ Căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/01/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024.

         Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân vẫn giữ nguyên giá trị sử dụng.

           8. Bổ sung quy định cấp Căn cước điện tử (Điều 31 và Điều 33 Luật căn cước 2023)

Căn cước điện tử là gì, giá trị sử dụng như thế nào?

(Căn cước điện tử tạo thuận lợi trong sinh hoạt và hoạt động hành chính)

         Về căn cước công dân điện tử, theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, đây là nội dung được bổ sung so với quy định của Luật Căn cước công dân hiện hành để quy định về căn cước điện tử; trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp tài khoản định danh điện tử; sử dụng căn cước công dân điện tử để giải quyết để thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và giao dịch dân sự trên môi trường điện tử, hướng tới thực hiện hiệu quả.

         Mỗi công dân Việt Nam được cấp 01 Căn cước điện tử. Căn cước điện tử của công dân được cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an tạo lập ngay sau khi công dân hoàn thành thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 02 (VNeID).

         Căn cước điện tử sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.

           9. Chính thức “khai tử” Chứng minh nhân dân từ ngày 01/01/2025 (Điều 46 Luật căn cước 2023)

         Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng thì được sử dụng đến ngày 31/12/2024.