Trong tiến trình cải cách tư pháp và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, vai trò của luật sư trong hoạt động tố tụng hình sự ngày càng được đề cao. Bào chữa hình sự không chỉ là một quyền năng được pháp luật thừa nhận, mà còn là một cấu phần quan trọng nhằm bảo vệ công lý, quyền con người và nguyên tắc suy đoán vô tội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc hành nghề bào chữa hình sự hiện nay còn thiếu nền tảng lý luận chuyên sâu, thiếu hệ thống tri thức khoa học đặc thù làm chỗ dựa cho việc xây dựng kỹ năng, phương pháp và đạo đức nghề nghiệp. Do đó, xây dựng và phát triển khoa học bào chữa hình sự như một chuyên ngành mới trong khoa học pháp lý hiện đại là yêu cầu cấp thiết, vừa nhằm nâng cao chất lượng hoạt động bào chữa, vừa góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật và công lý hình sự tại Việt Nam.
Khoa học bào chữa hình sự là hệ thống các tri thức lý luận và thực tiễn về vai trò, nguyên tắc, phương pháp, kỹ thuật, đạo đức và chiến lược của hoạt động bào chữa trong tố tụng hình sự. Đây không phải là một lĩnh vực đơn giản gắn với thực hành pháp lý, mà là một hệ hình khoa học có nền tảng nhận thức độc lập, có đối tượng nghiên cứu rõ ràng (hoạt động bào chữa của luật sư), phương pháp luận riêng (phân tích, lập luận phản biện, vận dụng chứng cứ theo hướng bảo vệ thân chủ), và mục tiêu đặc thù (bảo đảm quyền con người, công lý và tranh tụng bình đẳng).
Khác với khoa học luật hình sự (tập trung nghiên cứu tội phạm và hình phạt), khoa học tố tụng hình sự (nghiên cứu về trình tự, thủ tục truy tố, xét xử và thi hành án), khoa học bào chữa hình sự tập trung phân tích, luận giải và phát triển các học thuyết, công cụ, chiến lược giúp luật sư thực hiện quyền bào chữa một cách hiệu quả nhất. Đặc biệt, khoa học này không chỉ cung cấp kỹ năng nghề nghiệp, mà còn định hình tư duy pháp lý phản biện, đạo đức hành nghề và nhận thức về vai trò của luật sư trong hệ thống tư pháp hiện đại.
Trong những năm gần đây, số lượng luật sư hành nghề bào chữa hình sự tại Việt Nam ngày càng tăng, nhưng chất lượng hoạt động chưa tương xứng. Phần lớn luật sư chưa được đào tạo bài bản về kỹ năng tranh tụng hình sự; thiếu tài liệu học thuật, giáo trình, nghiên cứu chuyên sâu; chưa có môi trường học thuật chuyên biệt để trao đổi, phát triển tư duy phản biện và chiến lược tranh tụng. Việc bào chữa còn mang tính hình thức, bị hạn chế bởi định kiến tố tụng và áp lực từ cơ quan tiến hành tố tụng.
Trong bối cảnh đó, việc hình thành một ngành khoa học riêng để nghiên cứu bào chữa hình sự là cần thiết để nâng cao năng lực chuyên môn, phát triển đội ngũ luật sư hình sự chuyên nghiệp và hội nhập quốc tế.
Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã xác định rõ nhiệm vụ: “Đổi mới tổ chức, hoạt động và nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư; phát triển nghề luật sư trở thành một nghề độc lập, chuyên nghiệp, có vị trí, vai trò quan trọng trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và Nhà nước; khuyến khích luật sư tham gia các vụ án hình sự để bảo vệ quyền con người, quyền công dân”.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh đến yêu cầu: “Xây dựng đội ngũ luật sư có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn cao, có khả năng tranh tụng, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế”. Điều này không chỉ thể hiện sự ghi nhận ngày càng sâu sắc vai trò của luật sư trong bảo vệ công lý, mà còn đặt ra yêu cầu cấp thiết phải xây dựng một hệ thống lý luận vững chắc cho hoạt động bào chữa hình sự - tức là phát triển khoa học bào chữa hình sự như một chuyên ngành độc lập và chuyên sâu. Trong bối cảnh đó, việc xác lập khoa học bào chữa hình sự không chỉ là yêu cầu khách quan từ thực tiễn hành nghề, mà còn là đáp ứng trực tiếp một trong các trụ cột quan trọng của cải cách tư pháp được Trung ương xác định. Hệ thống lý luận và phương pháp luận bào chữa sẽ góp phần đào tạo thế hệ luật sư có kỹ năng tranh tụng chuyên nghiệp, có khả năng tham gia hiệu quả trong mọi giai đoạn tố tụng hình sự, bảo vệ quyền con người trước nguy cơ bị xâm phạm trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử.
Ngoài ra, Nghị quyết cũng đặt ra yêu cầu tăng cường vai trò phản biện xã hội, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân thông qua hoạt động của luật sư và các tổ chức hành nghề luật. Trong đó, hoạt động bào chữa hình sự là một trong những phương thức thể hiện rõ ràng nhất vai trò phản biện pháp lý, bảo vệ nguyên tắc tranh tụng và nguyên tắc suy đoán vô tội. Đây chính là khoảng không gian học thuật và thực hành cần có một nền khoa học pháp lý chuyên biệt để phát triển lâu dài, đồng thời hiện thực hóa những yêu cầu cải cách mà Nghị quyết 27-NQ/TW đặt ra.
Chỉ khi có một ngành khoa học nền tảng hậu thuẫn, luật sư mới có thể thực hiện quyền bào chữa một cách hiệu quả, từ đó góp phần bảo vệ quyền được xét xử công bằng - một trong những nguyên tắc cốt lõi của tư pháp hình sự hiện đại. Việc xây dựng khoa học bào chữa hình sự không chỉ phục vụ đào tạo luật sư, mà còn nâng tầm vị thế nghề luật trong xã hội. Một ngành học có hệ thống lý luận độc lập, được giảng dạy chính thức tại các cơ sở đào tạo luật sẽ tạo điều kiện hình thành các trung tâm nghiên cứu, các học giả chuyên sâu về lĩnh vực này, đồng thời giúp xã hội có cái nhìn đúng đắn và tích cực hơn về vai trò bảo vệ công lý của luật sư hình sự.
Để khoa học bào chữa hình sự trở thành một chuyên ngành độc lập trong hệ thống khoa học pháp lý, cần thực hiện các giải pháp đồng bộ:
Thứ nhất, bổ sung chuyên ngành “Khoa học bào chữa hình sự” vào chương trình đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ luật tại các trường đại học chuyên ngành luật. Đồng thời, biên soạn giáo trình, tài liệu học thuật chuyên sâu để phục vụ giảng dạy và
nghiên cứu.
Thứ hai, xây dựng các trung tâm nghiên cứu, hội thảo chuyên đề nhằm phát triển tư duy phản biện, kỹ năng tranh tụng hình sự và đạo đức hành nghề cho luật sư.
Thứ ba, tăng cường hợp tác quốc tế để tiếp cận các mô hình đào tạo và nghiên cứu về khoa học bào chữa hình sự ở các quốc gia tiên tiến như Đức, Pháp, Nhật Bản, Hoa Kỳ - nơi nghề luật sư có nền tảng học thuật và thực hành vững mạnh.
Thứ tư, khuyến khích các hiệp hội luật sư, tổ chức nghề nghiệp xây dựng chương trình đào tạo chuyên sâu về bào chữa hình sự, có chứng chỉ hành nghề đặc biệt cho các luật sư tham gia tố tụng trong các vụ án hình sự nghiêm trọng.
Việc xây dựng và phát triển khoa học bào chữa hình sự như một chuyên ngành mới của khoa học pháp lý hiện đại không chỉ là yêu cầu cấp bách của cải cách tư pháp, mà còn là con đường nâng cao vị thế, hiệu quả và chất lượng của nghề luật sư tại Việt Nam. Trong một nền tư pháp công bằng và minh bạch, luật sư không chỉ là người “giữ cán cân công lý” mà còn là một học giả, một nhà chiến lược tranh tụng, một người bảo vệ quyền con người bằng tri thức, bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp. Chỉ khi có nền tảng lý luận vững chắc, được hệ thống hóa trong một ngành khoa học độc lập, hoạt động bào chữa hình sự mới có thể thực sự vươn tầm và đóng góp sâu sắc vào tiến trình phát triển tư pháp quốc gia./. (TS.LS. Nguyễn Thị Huyền Trang, Công ty Luật
Viên An).
16 Tháng Sáu 2025
16 Tháng Sáu 2025
13 Tháng Sáu 2025