Thời gian qua nhiều vụ tham nhũng gây thất thoát lãng phí đất đai nói riêng và tài sản công nói chung được phát hiện, xử lý nghiêm minh. Qua đây chỉ ra rằng công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý đất đai, tài sản công còn tồn tại nhiều kẻ hở.
Để làm rõ vấn đề này, trước hết chúng tôi xin không đi sâu vào nội dung tội phạm mà chỉ muốn nêu ra những điểm chung của các hành vi sai phạm gây thất thoát lãng phí đất đai và tài sản công để thấy được những tồn tại, kẽ hở trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực quản lý đất đai, tài sản công; trên cơ sở đó xin được đưa ra vài kiến nghị với mong muốn hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại xảy ra.
1. Một số sai phạm tính chất phổ biến, quy luật
Thực tế qua một số vụ án tham nhũng gây thất thoát lãng phí đất đai và tài sản công chúng ta thấy có một số điểm chung, mang tính phổ biến, hay quy luật của loại tội phạm này:
Một là: Loại nguy hiểm nhất là một số cá nhân dùng thủ đoạn tinh vi để kết thân, móc nối, mua chuộc đối với các cán bộ có chức, quyền cao trong cơ quan quản lý Nhà nước để lợi dụng ảnh hưởng, ưu thế để thâu tóm đất đai Nhà nước thông qua việc mua chỉ định, giao đất không qua đấu giá.
Điển hình của loại tội phạm này đến nay đã được phát hiện xử lý là vụ Vũ Nhôm. Do kết thân với lãnh đạo cao nhất của thành phố Đã Nẵng, ( khoảng năm 2010 cho đến trước năm 2014, trong số 31 khu nhà đất công sản ở những vị trí đắc địa nhất ở thành phố Đà Nẵng được bán trực tiếp hoặc gián tiếp cho Vũ nhôm, đã có tới 30 khu được bán thẳng với giá rẻ mạt không qua đấu giá hoặc được hợp thức hóa thủ tục đấu giá một cách hình thức). Sau khi được tuyển dụng vào một cơ quan ở Trung ương, công ty của Vũ "Nhôm" còn được mua, nhận 6 bất động sản ở Đà Nẵng và TP. HCM với giá chỉ định không qua đấu giá). Các tài sản trên đã được Vũ bán hoặc chuyển qua tư nhân thu lợi hàng ngàn tỷ đồng.
Hai là: Các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước đang được Nhà nước giao quản lý nhiều diện tích đất ở các vị trí có lợi thế đặc biệt cao, do không sử dụng hết, không đủ năng lực tài chính để khai thác, không có chức năng thực hiện dự án, hoặc cố ý muốn thâu tóm đất công do mình quản lý.
Để thực hiên được việc thâu tóm đất công, vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân (lợi dùng chính sách cổ phần hóa doanh nghiệp), các cán bộ có chức, quyền trong các doanh nghiệp Nhà nước thường dùng chiêu bài: ký hợp đồng hợp tác đầu tư với doanh nghiệp tư nhân, góp vốn thành lập Công ty liên doanh cùng khai thác thực hiện dự án trên khu đất của mình đang quản lý để qua mặt cơ quan quản lý.
Sau khi đã thực hiện xong các thủ tục liên doanh và chuyển đổi Giấy CNQSDĐ cho Công ty liên doanh, công ty Nhà nước thoái toàn bộ vốn ra khỏi liên doanh, khi đó tài sản nhà nước là khu đất đã chuyển hóa thành tài sản tư nhân.
Điển hình của loại tội phạm này là một số vụ án:
- Vụ án xảy ra tại 2-4-6 Hai Bà Trưng, lẽ ra Sabeco khi lấy lý do phải di rời địa điểm thì phải trả lại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng cho Nhà nước và Nhà nước ở đây là thành phố Hồ Chí Minh phải có quyết định thu hồi đất theo quy định của tại điều Điều 65 Luật Đất đai (Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người). Tuy nhiên Sabeco đã ký hợp đồng hợp tác với một số Công ty tư nhân là Công ty Attland, Công ty Hà An, Công ty Mê Linh để thực hiện Dự án khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê. Các bên thống nhất thành lập Công ty cổ phần lấy tên là Sabeco Pearl. Sabeco góp 26% vốn bằng giá trị lợi thế đất, các công ty Attland, Hà An, Mê Linh có trách nhiệm nộp tiền đất theo giá chỉ định của thành phố không qua đấu giá sau đó Sabeco thoái toàn bộ vốn tại Sabeco Pearl. Công ty Sabeco Pearl được thành phố Hồ Chí Minh cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đổi tên thành Công ty Cổ phần Đầu tư quảng trường Mê Linh. Và Khi đó khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng đã thoát khỏi tài sản Nhà nước và hoàn toàn thuộc về sở hữu của công ty tư nhân. Vụ án đã gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước theo cáo trạng truy tố là 2.713.134.077.755 đồng.
- Vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài gòn tuy có hơi khác về thủ đoạn nhưng cùng bản chất sự việc. Cụ thể là sau khi kí hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty cổ phần Phong Phú và được thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận phê duyệt Dự án xây dựng khu nhà ở trên 36.676,1 m2 của Công ty Nông nghiệp Sài gòn tại phường Phước Long B, Quận 9, Công ty Nông nghiệp Sài gòn chuyển nhượng toàn bộ Dự án cho Công ty cổ phần Phong Phú không qua đấu giá gây thiệt hại 672.140.972.741 đồng (theo Kết luận điều tra vụ án).
- Vụ án xảy ra tại Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận, ban đầu là hợp tác đầu tư với Công ty Quốc Cường Gia Lai, sau là chuyển nhượng thuộc Dự án khu dân cư cho Quốc Cường Gia Lai không qua đấu giá. Vụ án xảy ra tại Công ty 3-2 Bình Dương...
Qua các vụ việc nói trên đã thể hiện các sai phạm chủ yếu sau:
Các cán bộ có chức vụ, quyền hạn đã bị các cá nhân lợi dụng, mua chuộc đã tạo những điều kiện thuận lợi để những cá nhân chiếm hưởng nhiều tài sản là đất đai của Nhà nước, gây thất thoát lớn tài sản Nhà nước. Như giao đất, bán chỉ định không qua đấu giá, lùi thời gian tính giá đất để người mua được với giá thấp hơn hoặc đấu giá hình thức.
Các cơ quan, đơn vị, tổ chức cũng như các doanh nghiệp Nhà nước khi không còn xử dụng đất được giao theo chức năng và giấy phép hoạt động, hoặc không đủ năng lực tài chính để triển khai dự án khai thác đất được giao đã không thực hiện theo đúng quy định tại Điều 65 Luật đất đai ( Thu hồi đất:... khi giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất;... tự nguyện trả lại đất);
Các công ty nhà nước thực hiện liên doanh, liên kết với công ty tư nhân thành lập Công ty liên doanh để cùng khai thác diện tích đất;
Sau đó chuyển đất công từ công ty Nhà nước qua công ty liên doanh không qua đấu giá;
Hoặc kí hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng Dự án rồi chuyển nhượng toàng bộ dự án không qua đấu giá;
Kí hợp đồng hợp tác đầu tư Dự án rồi chuyển một phần đất thuộc dự án không qua đấu giá;
Kí hợp đồng hợp tác đầu tư rồi chuyển từng phần Dự án không qua đấu giá...
Những sai phạm trên đã xảy ra trong một thời gian khá dài dài, có vụ xảy ra cách đây đã trên 10 năm mới bị phát hiện. Nhiều vụ không những gây hậu quả thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội mà việc khắc phục hậu quả cũng không hề dễ.
Vậy tại sao lại có rất nhiều các vụ việc sai phạm đã và đang xảy ra như vậy?
2. Nguyên nhân của sai phạm hay sơ hở thiếu sót trong công tác quản lý:
* Về yếu tố con người
- Các cán bộ có chức vụ, quyền hạn đã bị các cá nhân lợi dụng, mua chuộc đã tạo những điều kiện thuận lợi để những cá nhân chiếm hưởng nhiều tài sản là đất đai của Nhà nước, (tạo điều kiện cho mua chỉ định đất đai, cho lùi thời gian tính giá đất, cho thoái vốn không qua đấu giá, hoặc định giá hình thức thấp hơn nhiều so với giá thực, giao đất không đúng quy định...) gây thất thoát lớn tài sản Nhà nước.
- Các cơ quan quản lý theo chức năng không làm hết trách nhiệm, có biểu hiện nể nang, trách né, trả lời các văn bản trao đổi, xin ý kiến một cách rất chung chung để hiểu cách nào cũng được. Trong vụ án xảy ra tại Sabeco có tới 67 văn bản chỉ đạo, thịnh thị, trao đổi, xin ý kiến giữa các cơ quan chức năng từ cơ sở đến Trung ương mà sai phạm hiển nhiên vẫn cứ xảy ra.
- Cơ quan thanh tra chuyên ngành cũng không làm hết trách nhiệm theo chức năng được giao, không thực hiện theo đúng quy định tại Điều 201 Luật đất đai (Thanh tra chuyên ngành đất đai) : Thanh tra chuyên ngành đất đai là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về đất đai, quy định về chuyên môn, kỹ thuật, quản lý thuộc lĩnh vực đất đai. Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện thanh tra chuyên ngành đất đai trong cả nước.Cơ quan quản lý đất đai ở địa phương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện thanh tra chuyên ngành đất đai tại địa phương
Vậy phải thấy rằng lỗi trước hết thuộc về con người là các cá nhân các cán bộ có chức, quyền, công chức nhà nước được giao chức năng chuyên môn về quản lý đất đai, chế độ tài chính về đất đai, tài sản công. Những người này hoặc đã bị kẻ xấu lợi dụng, mua chuộc mà tạo điều kiện cho kẻ phạm tội, hoặc đã không nghiêm túc trong thực hiện nhiệm vụ của mình, không làm hết trách nhiệm, không làm đúng trách nhiệm của mình theo chức năng nhiệm vụ được giao.
* Về yếu tố pháp luật:
- Luật đất đai hiện nay có quy định nhiều quyền nhưng lại không quy định rõ nghĩa vụ của người xử dụng đất. Luật đất đai có quy định thu hồi khi cơ quan đơn vị không có nhu cầu xử dụng đất; tư nguyện trả lại đất, nhưng lại không có quy định những trường hợp nào phải trả lại đất. Theo chúng tôi Luật cần phải có quy định những trường hợp phải trả lại đất.
- Chính phủ cần phải có văn bản quy định rõ chế độ quản lý đất đai đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước, các trường hợp phải trả lại đất, phải thu hồi đất, phải chuyển giao vv...theo đúng quy định của luật đất đai và chế độ quản lý tài sản công, tránh trường hợp đất không xử dụng đúng mục đích, bị chiếm dụng, hoặc các trường hợp thất thoát khác...
3. Kiến nghị
Công tác cán bộ là đặc biệt quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người coi “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Việc để xảy ra thất thoát lãng phí về đất đai, tài sản công như nêu trên có nguyên nhân trước hết từ cán bộ quản lý. Do đó khi chọn cán bộ ở bất cứ cương vị nào cũng như trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, tài sản công việc lựa chọn, phân công cán bộ phải đảm bảo phẩm chất và năng lực đề đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Trong hoạt động quản lý Nhà nước về đất đai và tài sản công, cán bộ, công chức phải có đủ trình độ quản lý, nắm vững pháp luật cũng như các quy định về quản lý kinh tế tài chính của nhà nước, có trách nhiệm cao trong thực thi công vụ, và đặc biệt phải có bản lĩnh bảo vệ lẽ phải, bảo vệ sự đúng đắn theo pháp luật trong thực thi công vụ.
Đẩy mạnh thanh tra chuyên ngành trong việc quản lý và sử dụng đất công tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức doanh nghiệp Nhà nước, kiên quyết thu hồi tài sản nhà, đất công dư thừa, xử dụng sai mục đích, bị chiếm dụng, do chuyển đổi chức năng hoạt động của cơ quan, tổ chức doanh nghiệp không còn nhu cầu xử dụng đất vv...
Thực hiện tổng kiểm kê toàn diện quỹ đất công hiện nay đang do các các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước đang quản lý, xử dụng để có chế độ quản lý không để thất thoát, lãng phí.
Hoàn thiện pháp luật về quản lý đất đai theo hướng minh bạch, rõ trách nhiệm, phù hợp với sự phát triển xã hội và chế độ kinh tế hiện nay của đất nước.
Thạc sỹ, Luật sư Huyền Trang
03 Tháng Tám 2024