luatvienan@vienan.vn | 028 7300 6876 - 097 2757676
Thời gian làm việc: Sáng: 08:00 - 12:00 - Chiều: 13:30 - 17:30

Khi nào nên thay đổi đăng ký thường trú?

Trang chủ / Tư vấn pháp luật / Hỏi - đáp / Khi nào nên thay đổi đăng ký thường trú?
Sau khi kết hôn, hoặc có sự thay đổi nơi cư trú như đi học, đi làm xa…, nếu không đăng ký cư trú tại nơi ở mới, người dân có thể bị xóa đăng ký thường trú tại nơi đã đăng ký.
Editor 30 Tháng Mười 2023

Khi nào nên thay đổi đăng ký thường trú?

Câu hỏi:

"Tôi quê ở Bình Thuận, mới kết hôn và đã đến ở nhà chồng tại TP.HCM được hơn 1 năm nay. Hiện nơi đăng ký thường  của tôi vẫn ở Bình Thuận. Vậy tôi có nhất thiết phải thay đổi nơi đăng ký thường trú về chung với nhà chồng không? Do bận rộn và ngại về thủ tục hành chính nên tôi cũng chưa đăng ký tạm trú tại nhà chồng, vậy tôi và con tôi có bị ảnh hưởng đến những quyền lợi gì không? Thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú như thế nào và tôi phải đến đâu để làm, chi phí ra sao?" 

Luật sư tư vấn

LS CHiLuật sư Lê Thị Bích Chi - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Viên An

Luật sư Lê Thị Bích Chi tư vấn, việc thay đổi nơi đăng ký thường trú không phụ thuộc vào việc bạn kết hôn, mà phụ thuộc vào thực tế bạn cư trú ở đâu và có đáp ứng đủ điều kiện để đăng ký thường trú tại nơi ở mới hay không.

Do bạn đã chuyển đến sống ở nhà chồng tại TP.HCM hơn 1 năm, nên theo Điều 22 Luật Cư trú, bạn có trách nhiệm đăng ký thường trú tại nơi ở mới trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày bạn có đủ điều kiện.

Theo Điều 20 Luật Cư trú, điều kiện đăng ký thường trú với trường hợp vợ về ở với chồng là được chủ hộ và chủ sở hữu của ngôi nhà nơi bạn đang ở cùng gia đình chồng đồng ý. Do đó, nếu bạn đáp ứng được các điều kiện trên đây thì bạn cần thực hiện thủ tục đăng ký thường trú tại nhà chồng của bạn.

Cũng theo Điều 27 Luật Cư trú: "Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú". Trường hợp không đáp ứng điều kiện trên, bạn vẫn phải đăng ký tạm trú tại địa chỉ gia đình chồng nơi bạn đang sống.

Nếu bạn không đăng ký cư trú tại TP.HCM trong khi bạn thực tế đang sinh sống thường xuyên tại đây (kể cả các trường hợp như đi học, đi làm…) có thể dẫn đến nhiều khó khăn, bất cập.

Thứ nhất, bạn có thể bị phạt hành chính từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng (điểm a khoản 1 Điều 9 Nghị định số 144 năm 2021). Ngoài ra, bạn còn có thể bị xóa đăng ký thường trú tại tỉnh Bình Thuận do đã vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác (điểm d khoản 1 Điều 24 Luật Cư trú).

Thứ hai, về việc đăng ký xe, bạn không thể đăng ký xe (xe mô tô, ô tô…) tại TP.HCM, mà phải về nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú để đăng ký, trừ trường hợp bạn trúng đấu giá biển số xe ô tô thì có thể lựa chọn đăng ký, cấp biển số xe tại cơ quan có thẩm quyền quản lý biển số xe trúng đấu giá đó (khoản 2, khoản 14 Điều 3 Thông tư số 24 năm 2023 của Bộ Công an).

Thứ ba, về bảo hiểm y tế, nếu bạn không đăng ký thường trú hoặc tạm trú cùng nơi với chồng và gia đình chồng bạn thì bạn không đủ điều kiện tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình (Điều 5 Nghị định số 146).

Thứ tư, hiện nay còn rất nhiều thủ tục hành chính hoặc chính sách yêu cầu bạn phải cung cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú (giao dịch về quyền sử dụng đất, chính sách ưu đãi mua nhà ở xã hội…). Do đó, nếu bạn không có nơi cư trú hợp pháp tại TP.HCM, thì bạn phải mất công về Bình Thuận để xin xác nhận cư trú...

Hồ sơ và thủ tục đăng ký thường trú

  1. Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó có chữ ký và ý kiến đồng ý của chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp.
  2. Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân với chủ hộ, thành viên hộ gia đình (giấy chứng nhận kết hôn…), trừ trường hợp đã có thông tin thể hiện quan hệ này trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.
  3. Bạn có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại công an phường nơi bạn sinh sống, hoặc nộp hồ sơ trực tuyến qua các cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến như: Cổng dịch vụ công quốc gia, hoặc qua Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú.
  4. Thời hạn giải quyết là 7 ngày làm việc. Lệ phí: 20.000 đồng/lần đối với công dân nộp hồ sơ trực tiếp và 10.000 đồng/lần với công dân nộp hồ sơ online.

Hồ sơ và thủ tục đăng ký tạm trú

  1. Tờ khai thay đổi thông tin cư trú; giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp.
  2. Cách thức nộp hồ sơ tương tự như khi đăng ký thường trú.
  3. Thời hạn giải quyết là 3 ngày làm việc. Lệ phí: 15.000 đồng/lần với công dân nộp hồ sơ trực tiếp và 7.000 đồng/lần với công dân nộp hồ sơ online.

Nguồn: Báo Thanh niên