luatvienan@vienan.vn | 028 7300 6876 - 097 2757676
Thời gian làm việc: Sáng: 08:00 - 12:00 - Chiều: 13:30 - 17:30

Trả lời phỏng vấn về tình trạng người thân tranh chấp tài sản

Trang chủ / Kiến thức pháp luật / Trao đổi kiến thức pháp luật / Trả lời phỏng vấn về tình trạng người thân tranh chấp tài sản
Editor 18 Tháng Mười 2022

Trả lời phỏng vấn về tình trạng người thân tranh chấp tài sản

Câu hỏi phỏng vấn:

Thời gian gần đây xảy ra những vụ việc những người thân trong gia đình tố cáo nhau, kiện nhau ra toà vì tranh chấp tài sản có giá trị rất lớn, theo ông lý do nào dẫn đến các vụ việc này? Và hậu quả của những sự việc này sẽ như thế nào như trong gia đình, xã hội? Không chỉ những người thân trong gia đình mà ngay cả các cơ quan thực thi pháp luật sẽ gặp những khó khăn gì khi giải quyết sự việc?

Trả lời:

Đúng là thời gian gần đây xảy ra những vụ việc những người thân trong gia đình tố cáo nhau, kiện nhau ra toà vì tranh chấp tài sản có giá trị rất lớn có nhiều nguyên nhân nhưng theo tôi có 2 nguyên nhân chủ yếu sau:

  1. Về mặt khách quan:

           Trước đây mà đặc biệt trong thời kỳ bao cấp, tài sản sản chung trong mỗi gia đình đa phần không lớn, khi gặp sự kiện phải phân chia cũng đơn giản, thường dựa theo thông lệ, tập quán ông cha để lại và chịu sự chi phối bởi yếu tố tình cảm trong mỗi gia đình.

           Ngày nay cùng với sự đổi mới và phát triển của đời sống kinh tế xã hội, kinh tế trong mối gia đình cũng phát triển cả về khối lượng, cơ cấu, quy mô: tải sản lớn hàng ngàn, chục ngàn tỷ đồng, với nhiều dạng khác nhau, (động sản, bất động sản…) lại được vận hành dưới danh nghĩa khác nhau như HTX, công ty, tập đoàn…Theo đó các quan hệ sở hữu cũng đa dạng và đồng thời chịu sự chi phối của không chỉ một mà nhiều quan hệ pháp luật.

          Nhu cầu về sở hữu, quản lý, sử dụng khối  tài sản lớn cũng rất đa dạng (năm người, mười ý); khi không có sự đồng thuận sẽ dẫn đến tranh chấp và khởi kiện đến cơ quan chức năng.

  1. Về mặt chủ quan:

          - Ý thức chấp hành pháp luật chưa nghiêm chỉnh: Nhà nước đã xây dựng khá đầy đủ hệ thống pháp luật để đảm bảo quyền sở hữu tài sản hợp pháp của công dân trong mọi trường hợp.

Tuy nhiên trong thực tế có rất nhiều nhiều trường hợp việc thực hiện các quy định của pháp luật về sở hữu, quản lý tài sản không đúng, không đầy đủ, không nghiêm chỉnh, hoặc không minh bạch.

Tình trạng đó đó có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau: do tin tưởng người thân, do thiếu hiểu biết, do xem nhẹ hoặc cố tình bỏ qua các quy định của pháp luật (như nhờ người khác đứng tên, tài sản không đăng ký quyền sở hữu, hay chuyển nhượng không theo đúng thủ tục quy định); hoặc có thể có mục đích khác như muốn che dấu, muốn chiếm hữu riêng...

Việc xem nhẹ việc thực hiện quyền sở hữu tài sản theo pháp luật vừa tạo kẽ hở cho người có lòng tham lợi dụng chiếm đoạt, lại vừa gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi giải quyết vụ việc.

          -  Lòng tham:  Trước khối tài sản có giá trị lớn, lòng tham ở một số người trỗi dậy, lợi dụng lòng tin ở người thân, sự sơ hở, thiếu chặt chẽ trong quản lý tài sản để thực hiện các hành vi nhằm chiếm đoạt tài sản.

  1. Về hậu quả :

Nhiều Gia đình tan vỡ, kèm theo là những mâu thuẫn, sự hận thù; kéo theo ảnh hưởng xấu về tư tưởng, tình cảm và văn hóa đạo đức xã hội, đặc biệt là gây tổn thương cho tinh thần, tư tưởng, tình cảm của các em nhỏ do phải chứng kiến sự tranh giành, li tán giữa những người ruột thịt. Thậm chí có trường hợp gây ra án mạng rất đau lòng.

Các cơ quan pháp luật thường rất khó xử trong các trường hợp mâu thuẫn giữa những người thân vì nó động chạm đến tình cảm vốn rất thiêng liêng của quan hệ gia đình (bố mẹ với con cái; vợ với chồng; anh với em…) mà yếu tố có tác động không hề nhỏ đối với người thực thi pháp luật. Do đó để giải quyết sao cho thấu tình đạt lý đôí với các vụ tranh chấp tài sản giữa những người thân là việc không hề dễ đối với cơ quan pháp luật.

Ngoài ra để giải quyết rạch ròi các tài sản chung vừa đã phong phú về thể loại,  vừa không đầy đủ yếu tố pháp lý, lại đa dạng các mối quan hệ như phân tích trên là vô cùng khó khăn đối với cơ quan thực thi pháp luật. Điều đó đòi hỏi cán bộ nào đó thực thi xử lý vụ việc phải hết sức tận tâm, trách nhiệm và bản lĩnh mới có thề xử lý tốt vụ việc và ngược lại.

Để hạn chế tình trạng người thân trong gia đình tố cáo nhau, kiện nhau ra toà vì tranh chấp tài sản cũng như những khó khăn đối với các cơ quan thực thi pháp luật khi giải quyết vụ việc theo chúng tôi trước hết nhà nước cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về sở hữu tài sản phù hợp với xu thế phát triển của thời đại bảo đảm mọi quan hệ về tài sản đều rõ ràng, minh bạch và được pháp luật bảo vệ, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân biết tự bảo vệ quyền của mình về tài sản theo quy định của pháp luật./.

                                                                              Nguyễn Thế Bình